tháng 10
Chị Vũ Thị Ánh Tuyết: “Tý ế vì nhiều việc quá”
Chị đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu khó khăn cho đến thành công ngày hôm nay, khi các thiết bị xây dựng của công ty đã có mặt trên hầu khắp các công trình lớn trên cả nước và bản thân chị thì cũng ngày càng “to lớn” hơn….Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Vũ Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Công ty Thiết bị phụ tùng (TBPT) Hòa Phát nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 để biết phụ nữ HPG vừa giỏi việc công ty vừa đảm việc nhà như thế nào nhé!
Chị vào Hòa Phát từ bao giờ ạ?
Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát thành lập tháng 8/1992, sáu tháng sau (tháng 2/1993) chị bắt đầu vào Hòa Phát. Lúc đầu làm hành chính thôi nhưng lúc đó công ty còn nhỏ nên hành chính văn thư lưu trữ giấy tờ xuất nhập khẩu chị làm hết. Sau đó một thời gian công ty thành lập các phòng ban thì chị làm Trưởng phòng Kinh doanh kiêm luôn vật tư – xuất nhập khẩu (XNK) phụ trách cả 2 mảng. Đến 2003 thì chị được đề bạt làm PGĐ Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát.
Thời gian đầu làm tại Hòa Phát có nhiều kỷ niệm không chị?
Nhiều chứ! Ôi ngày xưa khổ lắm, mọi thứ thiết bị thiếu thốn, không phân biệt lựa chọn công việc, không phân biệt nam nữ, ai gặp việc gì làm việc nấy, tóm lại là vất vả, nhưng ai cũng vui vẻ.
Chị phụ trách XNK thì làm tất cả mọi thứ từ hồ sơ giao dịch, mua bán, đi nhận hàng, thời ấy ai cũng vậy thôi kế cả các sếp cũng tự đi nhận hàng chứ không riêng gì mình. Nhân hàng xong đi xuống nhà máy chuyển hàng. Thâm chí còn cọ gỉ máy móc để học. Ví dụ nhập máy xúc về thì còn phải lau chùi máy học xem nó có những bộ phận gì… ngày xưa học kiểu đơn giản như thế đấy. Giai đoạn mới mở cửa mình tiếp cận đến tận chân công trình ấy chứ.
Rồi công ty dần phát triển lên, lớn dần, lúc đó quản lý mới khó…(Cười)
Ngoài thiết bị tự sản xuất, công ty còn nhập khẩu thiết bị từ các hãng nổi tiếng?
Thời gian đầu công ty sửa chữa máy móc thiết bị cũ, sau đó là sản xuất giàn giáo cho xây dựng, cột chống cốp pha, đầm dùi, máy trộn, máy cắt bê tông (1993-2003), sau đó mở rộng ra sản xuất máy khó hơn như vận thăng lồng, cẩu tháp, trạm trộn bê tông, trạm nghiền đá.
Thời đó, công ty nhập máy móc thiết bị từ Nga về, rồi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc. Giai đoạn ấy chị, sếp Long, sếp Quang đi hội chợ tìm nhà cung cấp đối tác, mua máy của họ, có hãng mình làm đại lý. Từ nhập khẩu rồi làm đại lý cho họ như hãng máy trộn của VITO – Pháp hay Mikasa – Nhật từ đó đến bây giờ.
Đối tác nào chị nhớ và ấn tượng nhất?
Trong số các đối tác của công ty, Mikasa là khách hàng đối tác bền bỉ, trung thành, lâu dài nhất và hợp tác cũng rất hiệu quả.
Mình làm việc với Mikasa từ cuối 1992, 1993 ban đầu nhập khẩu thiết bị ít, sau số lượng tăng dần, đến nay, sau 26 năm mình vẫn là nhà phân phối độc quyền của Mikasa tại Việt Nam.
Công trình lớn nào công ty đã cung cấp thiết bị?
Nhiều lắm chị không nhớ hết !.
Nhưng ngay từ lúc mới bắt đầu mở cửa Việt Nam xây các công trình lớn, tòa nhà cao tầng thì TBPT Hòa Phát đã vào được các công trình lớn ở Hà Nội như Melia, Horizon, Sheraton… đều có dấu chân của mình. Lúc đó, sản phẩm mới của công ty là giàn giáo, cột chống rất phát triển, công trình nào cũng cần dùng đến.
Những khách hàng lớn mà TBPT Hòa Phát đã cung cấp thiết bị là các đối tác Coteccons, Hòa Bình, Delta…
Thiết bị phụ tùng trước đây chuyên về thiết bị xây dựng, khai thác mỏ nhưng gần đây đã tập trung đầu tư nhiều hơn cho sản xuất thép rút. Chị có thể chia sẻ thêm về dự án lớn này?
Đầu năm 2017, Tập đoàn chủ trương làm thép rút nhằm tăng cường chế biến sâu chuỗi sản phẩm thép, góp phần từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Có thể khẳng định ở Việt Nam chưa có một nhà máy chuyên làm thép rút nào so sánh được về quy mô, công nghệ hiện đại, chất lượng tốt như của Thiết bị phụ tùng Hòa Phát. Trong nước hiện có nhiều công ty sản xuất nhưng chưa có công ty nào làm được dây mạ nitơ dầy, đủ tiêu chuẩn xuất sang Canada, Mỹ Hàn Quốc như Hòa Phát.